Tiêm vắc xin phòng COVID cho trẻ 5-11 tuổi: Cần đặc biệt đề phòng phản ứng bất lợi
Nguồn: Báo Tiền phong – Tác giả Hà Minh
TS Thái cho biết, những bằng chứng gần đây cho thấy trẻ em mắc COVID-19 bị biến chứng không cao nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là tình trạng viêm đa phủ tạng ở trẻ nhỏ (MIS-C) được ghi nhận thời gian qua. Khi trẻ mắc biến chứng này, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém. “Tổn thương kéo dài liên quan đặc biệt đến sức học của trẻ sau này là gánh nặng lớn cho bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội đã được ghi nhận trên thế giới dù tỉ lệ này không cao so với người lớn mắc COVID-19, nhưng so với các bệnh khác vẫn cao”, TS Thái nói.
Theo dõi trẻ chặt chẽ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: Tuấn Dũng
Ông Thái cho biết, vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer đóng liều 30 microgram cho người lớn và trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Khi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, liều vắc xin còn 10 microgram. Với liều tiêm chỉ bằng 1/3 người lớn, trẻ sẽ không có các phản ứng phụ bất lợi nên đây được đánh giá là mũi tiêm an toàn. Tất nhiên, khi tiêm vắc-xin, dù ở lứa tuổi nào cũng phải theo dõi chặt sau tiêm theo quy định của Bộ Y tế.
Các bác sĩ cho biết, phản ứng phổ biến nhất khi tiêm vắc xin ở trẻ là sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, sưng đỏ cánh tay. Những triệu chứng này sẽ biến mất sau vài ngày, không có báo cáo về tác dụng phụ lâu dài. Đối với nhóm 5-11 tuổi sau khi tiêm vắc xin, cần được gia đình chăm sóc, theo dõi vì khả năng tự nhận biết, thông báo triệu chứng kém hơn. TS Thái nói: “Dù tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin ở trẻ nhỏ thấp hơn rất nhiều so với ở trẻ lớn và người trưởng thành, phụ huynh vẫn cần đặc biệt lưu tâm, đề phòng các phản ứng bất lợi”.
“Trẻ ở lứa tuổi này khi tiêm vắc xin vẫn phải trên tinh thần tự nguyện, nếu gia đình nào còn băn khoăn lo lắng thì có thể theo dõi thêm. Còn với trẻ nguy cơ cao như béo phì, có bệnh lí nền, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, có thể cho tiêm sớm để được bảo vệ khỏi COVID-19”. Một chuyên gia y tế
Sau khỏi COVID-19, nên tiêm vắc xin để tránh tái nhiễm
Theo TS Thái, SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể chúng ta lần đầu tiên để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm, vì vậy trong những hướng dẫn gần đây không đặt ra vấn đề chờ 6 tháng sau khi khỏi bệnh thì tiêm mũi tiếp theo mà nên tiêm ngay sau khi nhiễm bệnh. “Điều này sẽ giúp miễn dịch của cơ thể với virus nhiều hơn, góp phần vào hạn chế tái nhiễm sau này. Điều này còn hạn chế cả những hội chứng hậu COVID-19 và tình trạng COVID-19 kéo dài đã được ghi nhận vì có những trẻ vài tháng sau khi khỏi mới có biểu hiện hội chứng hậu COVID-19 do virus gây tổn thương đa cơ quan, để lại vật liệu di truyền virus gây phản ứng viêm đa tạng sau này”, ông Thái nói.
Về so sánh nguy cơ tăng nặng ở trẻ tái nhiễm COVID-19 nhưng chưa tiêm vắc xin với trẻ đã tiêm chủng đầy đủ, TS Thái cho hay, thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và với chủng Omicron thì số tái nhiễm cao hơn, trong đó đều là thể nhẹ vì bệnh nhân đã có miễn dịch từ lần nhiễm trước. “Tuy nhiên, vẫn có trường hợp biểu hiện nặng như suy đa phủ tạng ở lần nhiễm sau. Cơ địa từng người cho thấy cần phải tiêm phòng dù đã nhiễm bệnh, để tránh nguy cơ tái nhiễm sau”, ông nói.
Ngày 15/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 31.814 ca nhiễm mới với 27 ca nhập cảnh và 31.787 ca trường hợp trong nước (tăng 2.384 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố, có 22.870 ca cộng đồng. Đây là ngày có số ca mắc mới và ca cộng đồng cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Cùng ngày, Hà Nội ghi nhận số ca mắc cao nhất (3.972 F0).